Điều Gì Xảy Ra Nếu Bạn Không Sử Dụng Từ Ngữ Cảm Xúc Trong Bài Viết Bán Hàng

từ ngữ cảm xúc

Tờ mờ sáng, giật mình tỉnh giấc.

Lao ngay vào bàn làm việc. Bật máy tính. Kiểm tra thứ hạng các từ khóa trong khi vẫn còn mắt nhắm mắt mở.

Ồ…thật không thể tin được.

Sau những lỗ lực tối ưu công cụ tìm kiếm, cuối cùng bài viết của tôi đã lọt top 1 Google. Hét thật to là điều tôi muốn làm ngay lúc đó.

Nhưng niềm vui sướng không được lâu. Bởi, mặc dù nằm trên đỉnh bảng xếp hạng nhưng thời gian trung bình người dùng trên trang dưới 1 phút. Tỉ lệ chuyển đổi thành đơn hàng không cao như kỳ vọng.

Kết quả?

Theo thời gian, bài viết của tôi bị đẩy dần khỏi top 10.

Thật đáng thất vọng.

Tôi biết bạn cũng từng như vậy, một cảm giác không mấy dễ chịu.

Phải không?

Đó là lý do chúng ta cần sử dụng từ ngữ cảm xúc để giúp bài viết bán hàng thoát khỏi sự tầm thường. Từ ngữ cảm xúc mô tả một bức tranh sống động, giữ khách hàng lang thang trên trang và mang đến cho họ trải nghiệm thú vị trong tâm trí.

Và hơn hết, đó là cách giúp bạn giữ top bền vững mà không phải lo lắng về sự thay đổi của thuật toán Google.

Muốn biết chi tiết?

Hãy đọc tiếp…

FULL Khóa học Copywriting MIỄN PHÍ dành cho người mới bắt đầu >>>

Vì Sao Phải Sử Dụng Từ Ngữ Cảm Xúc Khi Viết Bài

Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao đánh giá về cùng một sản phẩm nhưng bài viết của bạn lại có cảm giác thiếu sức sống và tẻ nhạt?

Trong thực tế, chúng ta thường xuyên bắt gặp những mô tả sản phẩm như này:

Tủ lạnh LG-ABC có kiểu dáng hiện đại và sang trọng phù hợp với gian bếp của bạn. Với dung tích lên đến 700 lít đáp ứng nhu cầu sử dụng của gia đình 5 thành viên. Đặc biệt, bạn có thể lấy đá ngay cả khi không mở tủ, giúp bạn tiết kiệm thời gian và điện năng tiêu thụ. Tủ có tuổi thọ cao được làm từ những vật liệu bền và tốt nhất, bảo hành 15 năm. Sản phẩm còn được trang bị thêm các công nghệ như:

+ Công nghệ Linear Inverter tiết kiệm điện.

+ Bảng điều khiển cảm ứng bên ngoài sang trọng và thuận tiện.

+ Công nghệ làm lạnh đa chiều, làm lạnh đến mọi ngóc ngách bên trong tủ.

+ Bộ lọc khử mùi và kháng khuẩn Nano giúp thực phẩm luôn tươi ngon.

+ Ngăn rau củ kích thước lớn có khả năng cân bằng độ ẩm.

Có vẻ như mọi chuyện đều ổn mà, đúng không?

Nhưng hãy xem xét đoạn mô tả đó sau khi được chỉnh sửa và bổ sung thêm từ ngữ cảm xúc:

Tủ lạnh LG-ABC rộng 0.91m * cao 1.78m * sâu 0.71m đạt tiêu chuẩn vàng cho mọi gian bếp. Đó là sự sang trọng trong thiết kế và tinh tế trong từng đường nét:

+ Thiết kế thời trang: bạn sẽ cảm thấy vẻ đẹp hiện đại trẻ trung với màn hình điều khiển cảm ứng 5 inch bên ngoài.

+ Lưu trữ mọi thứ: với 700 lít bạn có thể tích trữ được lượng thực phẩm khổng lồ lên đến 1 tuần cho gia đình 5 người.

+ Vệ sinh dễ dàng: mặt trước ốp kính cường lực nên bạn dễ dàng làm sạch và giữ cho tủ luôn sáng bóng trong suốt thời gian sử dụng.

+ Sử dụng đơn giản: thiết kế ngăn lấy đá bên ngoài nên chỉ cần nhấn nút là có đá sử dụng.

+ Tiết kiệm điện năng: công nghệ Linear Inverter tiết kiệm 35% điện năng tiêu thụ so với tủ lạnh thông thường.

+ An toàn tuyệt đối: bộ lọc khử mùi Nano tiêu diệt mọi vi khuẩn, cân bằng độ ẩm giữ cho thực phẩm luôn tươi ngon tối thiểu 21 ngày.

+ Công nghệ đột phá: công nghệ làm lạnh đa chiều, đẩy hơi lạnh luồn lách đến mọi ngóc ngách trong tủ.

+ Bảo hành 15 năm: bảo đảm tủ hoạt động bền bỉ không có tiếng ồn trong 15 năm.

Tại sao đoạn văn chỉnh sửa hoạt động hiệu quả hơn?

Bằng cách chuyển đổi tính năng thành lợi ích kết hợp với những con số sẽ giúp khách hàng nhanh chóng đo lường chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, những gạch đầu dòng với hàng loạt các từ ngữ cảm xúc” hiện đại, trẻ trung, khổng lồ, sáng bóng, tiêu diệt, luồn lách, cân bằng, không có tiếng ồn, nhấn nút ” khiến khách hàng hình dung ra hình ảnh cụ thể của sản phẩm. Họ có một trải nghiệm tốt trong tâm trí trước khi ra quyết định mua sản phẩm.

Thêm 1 ví dụ?

Làm thế nào độc giả cảm thấy bài viết của bạn đang làm chậm tốc độ đọc của họ?

1. Không có từ cảm xúc:

Bạn từng có cảm giác đó, đúng không ?

Bài viết của bạn đang làm chậm người đọc.

Đây cũng là vấn đề của hầu hết mọi người.

2. Sử dụng từ cảm xúc:

Bạn từng có cảm giác đó, đúng không ?

Bài viết của bạn tẻ nhạt, khập khiễng, thiếu sức sống và truyền đi một thông điệp yếu ớt.

Đây cũng là vấn đề của hầu hết mọi người.

Trích từ bài viết: Bí Quyết Xây Dựng Sức Mạnh Văn Bản Bằng Động từ Mạnh.

Bạn cảm thấy sao với những cụm từ “ tẻ nhạt, khập khiễng, thiếu sức sống, yếu ớt” được sử dụng trong đoạn văn 2 ? Những từ này gợi cho bạn hình ảnh gì?

Những ví dụ trên giải thích vì sao bạn cần sử dụng từ ngữ cảm xúc trong bài viết của mình. Bởi 3 lợi ích không thể phủ nhận:

  • Bổ sung cá tính và hương vị cho nội dung nhàm chán.
  • Vẽ những hình ảnh sống động tạo nên bộ phim tinh thần cho độc giả.
  • Giữ chân độc giả, tăng thời gian đọc trên trang.

Tiếp theo, tôi sẽ…

Bật Mí 5 Loại Từ Cảm Xúc Thường Dùng

Từ ngữ cảm xúc là gì?

Từ ngữ cảm xúc là từ ngữ tác động tích cực hoặc tiêu cực vào 5 giác quan của độc giả. Họ sẽ trải nghiệm lời nói của bạn bằng những hình ảnh cụ thể hiện lên trong tâm trí. Họ dường như nghe thấy một âm thanh, nhìn thấy một hình ảnh rực rỡ, nếm một vị ngọt, ngửi thấy mùi thơm và cảm thấy một bề mặt thô ráp xù xì.

Thực tế thì một khách hàng tiềm năng quyết định mua hàng bằng cảm xúc nhưng sau đó lại tự biện minh rằng đó là một quyết định hợp lý.

Vì vậy, bạn cần đẩy mạnh cảm xúc khách hàng lên và kéo tụt lý trí của họ xuống bằng cách sử dụng 5 loại từ ngữ sau đây:

1. Từ Ngữ Trực Quan

Từ ngữ này ảnh hưởng đến vùng thị giác. Khi đọc to, dường như chúng ta nhìn thấy một hình ảnh hay một màu sắc nào đó.

Không có từ trực quan:

Viết bài bán hàng cần làm cho từ ngữ trở nên có ý nghĩa, thêm động từ mạnh, tạo nhịp điệu để thu hút khách hàng và xây dựng các câu chuyện của bạn trở nên thú vị hơn.

Có từ trực quan:

Viết bài bán hàng cần làm cho từ ngữ trở nên sáng bóng, bổ sung động từ mạnh, tạo nhịp điệu để thu hút khách hàng và biến các câu chuyện của bạn thêm phần lấp lánh hơn.

Một số từ trực quan:

Khổng lồ, vĩ đại, to lớn, hàng khủng, mỏng manh, nhỏ xíu, mảnh khảnh, cồng kềnh, lênh khênh, long lanh, lấp lánh, nhấp nhoáng, nhấp nháy, lung linh, sáng bóng, rực rỡ, phát sáng, phát quang, quanh co, ngoằn ngoèo, uốn lượn, âm u, u ám, tròn trịa, vuông thành sắc cạnh, mũi nhọn.

2. Từ Ngữ Xúc Giác

Hãy tưởng tượng, bạn đang bịt 2 mắt lại.

Bây giờ, sờ tay lên một bề mặt nhẵn bóng, mát, lạnh.

Tâm trí bạn đang hiện lên những hình ảnh nào?

Đá hoa cương, gương, kính, mặt bàn,…

Đó là cảm giác do xúc giác của bạn mang lại.

Làm thế nào để não bộ chúng ta có được những hình ảnh rõ ràng chỉ với một vài từ?

1. Không sử dụng từ xúc giác:

Hắn cầm quả bóng trên tay, nắn nắn bóp bóp. Vì quá phấn khích nên …b..ụ…p…, một thứ chất nhờn đặc quánh trào ra, nó giống như rỉ mũi của trẻ con vậy. Hắn cảm thấy hơi chột dạ tự hỏi liệu có chất độc gì trong này không?

2. Có từ xúc giác:

Hắn mân mê quả bóng. Vì quá phấn khích nên …b..ụ…p…, bàn tay hắn nhầy nhụa một thứ chất nhờn đặc quánh, nó nhớt như rỉ mũi của trẻ con. Hắn bỗng rùng mình tự hỏi liệu có chất độc gì trong này không ?

Tại sao đoạn 2 hoạt động tốt?

Bạn biết đấy.

Chỉ đơn giản là “ mân mê” cũng khiến chúng ta thấy rõ đôi bàn tay của “hắn” đang làm gì rồi.

Bạn cảm thấy sao với những cụm từ ” nhầy nhụa, đặc quánh, nhớt, rùng mình” ? Hình ảnh nào được gợi lên ? Bạn có hình dung ra loại chất lỏng này không?

Vâng. Đó cũng là cách bạn có thể truyền đi những thông điệp mạnh mẽ cho bài viết của mình.

Một số từ xúc giác:

Mềm mại, dịu dàng, thô ráp, trơn tru, nhẵn nhụi, ngọt ngào, bóng láng, nhầy nhụa, nhớp nháp, nhớt, rùng mình, run rẩy, ghê sợ, rởn tóc gáy, ớn lạnh, sắc nét, nổi gai ốc, nhiều lông, ướp lạnh, lạnh cóng, bóp nghẹt, vắt kiệt.

3. Từ Ngữ Thính Giác

Đôi khi, đọc một đoạn văn, bạn có cảm giác đang nghe thấy tiếng chim hót, tiếng tàu điện leng keng, tiếng suối róc rách,…

Đó là sự kỳ diệu của từ ngữ thính giác.

Đồng hồ điểm 8h tối.

Như thường lệ, Lan Anh ngồi xuống bàn làm việc. Cô nhấp một ngụm trà ấm. Hít một hơi thật sâu và miên man nghĩ về lịch hẹn trả bài cho khách hàng của mình.

Lan Anh đặt tay lên bàn phím và bắt đầu viết dòng đầu tiên.

Lạch cạch…lạch cạch...

Ôi ! không. Mọi ý tưởng tan biến. Trí óc cô rỗng tuếch. Chỉ vài giây trước thôi mọi thứ đã sẵn sàng, vậy mà bây giờ cô không biết phải bắt đầu như thế nào.

Trích từ bài viết: Phương Pháp Tạo Ấn Tượng Cho Độc Giả Ngay Khi Mở Đầu Bài Viết.

Tại sao đoạn này hoạt động tốt ?

Sự kết hợp của nhiều loại từ cảm xúc ” nhấp, miên man, lạch cạch, tan biến, rỗng tuếch” đã vẽ lên hình ảnh rõ nét trong tâm trí độc giả.

Bạn có thấy mình trong mô tả này không ?

Mỗi tối bạn ngồi vào bàn làm việc, trước mặt là màn hình máy tính, trên bàn là ly trà ấm. Hai tay đan vào nhau để sau gáy, tựa lưng vào ghế và nghĩ về những gì mình sẽ viết ngày hôm nay.

Tiếp đến, âm thanh gõ phím “lạch cạch” vang lên. Viết xong lại xóa, xóa xong lại viết.

Đó là hình ảnh quen thuộc của hầu hết mọi người. Cả bạn và tôi.

Một số từ thính giác:

Ầm ầm, gầm thét, om sòm, mờ nhạt, la hét, ồn ào, thì thầm, khóc thét, sôi ùng ục, lạch cạch, rì rầm, gầm rú.

4. Từ Ngữ Vị Giác Và Khứu Giác

Hương vị và mùi là những gì độc giả có thể hình dung ra.

Tôi biết bạn không muốn đánh giá một sản phẩm với những từ ngữ chung chung: ngon, tốt, đẹp hoặc xấu. Bạn nên giải thích nó giống như cách làm rõ nghĩa một từ ngữ trừu tượng.

Do đó, thay vì nói ” Chiếc bánh kem này có vị rất ngon ” hãy nói ” Chiếc bánh kem này có vị ngọt của táo quyện với hương thơm của dứa ” . Thay vì nói ” Đôi môi của cô ấy thật đẹp ” hãy nói ” Đôi môi của cô ấy mềm mại như nhung và có vị ngọt của dâu tây “. Thay vì nói ” Loại trái cây này phát ra mùi thật kinh khủng” hãy nói “Loại trái cây này bốc mùi hôi thối “.

Hãy rõ ràng như vậy.

Chú ý:

Bạn nên sử dụng từ ngữ vị giác và khứu giác kết hợp phép ẩn dụ để vẽ nên những hình ảnh sinh động nhất trong não độc giả.

Một số từ vị giác và khứu giác:

Êm ái, dịu dàng, ngọt ngào, êm tai, thối rữa, thơm, hôi thối, chất đắng, vị đắng, hăng hắc, bốc mùi, cay xè, chát, chua, chua chát.

5. Từ Ngữ Chỉ Sự Chuyển Động

Động từ mạnh là những từ ngữ chỉ sự chuyển động.

Tuy nhiên, nhiều từ cảm xúc không là động từ những vẫn mô tả sự chuyển động: rung động, chao đảo, bay bổng, hồn siêu phách lạc, ngoằn ngoèo, ghập ghềnh, chao đảo, sóng gió, bấp bênh, luồn lách, lướt qua.

Bạn muốn 1 ví dụ?

Cô ấy không phải nhà thơ nhưng mỗi lời thốt ra đều khiến mọi người rung động. Chất nghệ sĩ dường như có sẵn trong máu, bởi vậy cô thường được giao nhiệm vụ sáng tác nên những vần thơ bay bổng mỗi dịp tết đến xuân về.

Chắc hẳn bạn từng nghe nói, từ cảm xúc chỉ dành cho nhà văn, nhà thơ, sáng tác truyện, tiểu thuyết.

Đó không phải sự thật.

Ngay bây giờ, tôi sẽ chứng minh sức mạnh của từ ngữ cảm xúc khi đưa nó vào bài viết bán hàng của bạn.

Làm Thế Nào Thêm Từ Cảm Xúc Vào Bài Viết Bán Hàng

Bạn đã xây dựng một bài viết đúng tâm lý khách hàng với một tiêu đề thu hút, một đoạn mở đầu quyến rũ, một mô tả chi tiết sản phẩm và một đoạn kết với những lời kêu gọi hành động mạnh mẽ.

Và chính xác đó là một phần kết quả của quá trình vận dụng linh hoạt từ ngữ cảm xúc trong khi viết bài.

Chi tiết như thế nào ?

1. Trong Tiêu Đề

Không có từ ngữ cảm xúc:

10 Cách Để Thúc Đẩy Thương Hiệu Cá Nhân Của Bạn.

Đây Là Những Bí Mật Giúp Câu Văn Của Bạn Trở Nên Rõ Ràng Hơn.

Có từ ngữ cảm xúc:

10 Cách Để Khuếch Trương Thương Hiệu Cá Nhân Của Bạn Từ Zero To Hero.

Đây Là Những Bí Mật Giúp Câu Văn Của Bạn Trở Nên Lung Linh Và Tỏa Sáng.

Đọc thêm:

>>> Làm Thế Nào Viết 1 Tiêu Đề Quyến Rũ Khách Hàng Trong 3 Phút.

2. Trong Đoạn Mở Đầu

Thật đáng thất vọng, phải không ?

Bài viết của bạn:

+ Không có khả năng giữ chân độc giả ( time-onpage < 30 giây) .

+ Tỉ lệ chuyển đổi nhỏ hơn 1%.

Mặc dù tiêu đề bài viết rất ngon, đủ sự tò mò để khiến mọi người phải nhấp chuột. Bạn đã giúp khách hàng nhẹ nhàng vượt qua những dòng đầu tiên, sau đó viết một đoạn mở đầu quyến rũ nhất. Tỉ mỉ mô tả chi tiết sản phẩm. Hứa hẹn về những lợi ích đem lại cho khách hàng. Giải thích cách nó giúp cuộc sống của mọi người trở nên tốt đẹp hơn. Và thêm từ sức mạnh trong kết bài bán hàng để thuyết phục họ mua sản phẩm.

Nhưng mọi người vẫn bỏ đi mà không thực hiện bất cứ hành động gì.

Trích từ bài viết: Khám Phá bí Mật Về Những Con Số Giúp Bạn Tăng 150% Tỉ Lệ Chuyển Đổi Cho Bài Viết Bán Hàng.

Những từ/ cụm từ in đậm giúp bạn hình dung ra hình ảnh cụ thể, phải không ?

Đọc thêm:

>>> Đây Là Điều Mà Các Chuyên Gia Không Muốn Bạn Biết Khi Xây Dựng Đoạn Mở Đầu Bài Viết Bán Hàng.

3. Trong Mô Tả Sản Phẩm

Không có từ cảm xúc:

Tay cầm được đúc bằng nhựa dẻo với công nghệ vân giả gỗ. Vì vậy, bạn luôn có cảm giác thoải mái khi sử dụng.

Sử dụng từ cảm xúc:

Tay cầm được đúc bằng nhựa dẻo với công nghệ vân giả gỗ. Vì vậy, bạn luôn có cảm giác sang trọngmềm mại khi sử dụng.

Đọc thêm:

>>> Đây là Cách Đơn Giản Đến Đáng Kinh Ngạc Để Bạn Viết Mô Tả Sản Phẩm Khiến Mọi Khách Hàng Đều Yêu Thích.

4. Trong Kết Bài Bán Hàng

Tôi cũng sử dụng nhiều từ ngữ cảm xúc trong các đoạn kết bài bán hàng của mình.

Đây là 1 ví dụ.

Khi viết bài bán hàng, bạn dễ bị phân tâm bởi các kỹ thuật bán hàng thuyết phục. Bằng ngôn từ quyền lực. Bằng những dòng tiêu đề quyến rũ. Bằng đoạn mở đầu thu hút. Bằng mô tả chi tiết sản phẩm. Bằng kết bài có thể hành động được. Bằng các thủ thuật lôi kéo cảm xúc khách hàng về phía bạn.

Nhưng bài viết của bạn vẫn không tạo ra điểm nhấn để giữ cho đôi mắt độc giả dừng lại.

Vì vậy, hãy sử dụng danh sách gạch đầu dòng để đánh lừa tâm trí khách hàng. Cho họ thấy:

+ Tại sao bạn lại quan tâm đến cảm xúc mua hàng của họ?

+ Tính năng nào đặc biệt nhất trong sản phẩm của bạn?

+ Lợi ích nào là quan trọng nhất đối với khách hàng?

+ Điều gì khơi dậy sự tò mò của họ?

Câu trả lời của bạn chính là mong muốn thầm kín của khách hàng.

Hãy viết nó dưới dạng các gạch đầu dòng. Rõ ràng. Ngắn gọn.

Trích từ bài viết: Mỗi Chúng Ta Nên Biết Về 5 Cách Viết Kết Bài Bán Hàng Đơn Giản Này.

Khi đọc to những từ này “phân tâm, thuyết phục, quyền lực, quyến rũ, thu hút, lôi kéo, đánh lừa tâm trí, mong muốn thầm kín, điểm nhấn, dừng lại” bạn sẽ cảm thấy sức mạnh của chúng. Nó thu hút các giác quan, thổi vào tâm trí bạn những hình ảnh rõ ràng đầy sức sống.

5. Trong Lời Kêu Gọi Hành Động

Thực tế chỉ ra rằng, khi khách hàng cảm nhận được nỗi đau – sự sợ hãi hoặc sự hối tiếc – sợ bị mất , thì đó là 2 thời điểm vàng để bán hàng cho họ.

Như trong ví dụ sau:

1. Nỗi đau – sự sợ hãi

Ngừng lo lắng về mụn bọc. Hãy mua ngay.

Thất vọng về máy cạo râu của bạn ? Đừng lo lắng. Đây là giải pháp.

2. Sự hối tiếc – sợ bị mất

Chỉ còn 2 giờ để tiết kiệm 300.000 vnđ cho 10 người mua vé đầu tiên.

Nhanh tay nhận ngay quà khủng MIỄN PHÍgiảm giá 5 triệu vnđ cho 20 khách hàng đến sớm nhất.

Đọc thêm:

>>> Bí Mật Để Bạn Có 1 Lời Kêu Gọi Hành Động Không Thể Cưỡng Lại.

Hãy Kết Nối Với Độc Giả Của Bạn Bằng Ngôn Từ Cảm Xúc

Viết bài bán hàng có nghĩa là bạn phải bắt đầu đi sâu vào tâm trí độc giả. Bạn phải hiểu họ đang gặp vấn đề gì? nỗi đau họ đang gặp phải? mong muốn thầm kín và ước mơ lớn nhất của họ là gì?

Sau đó, sưởi ấm trái tim họ, cho họ thấy bạn đồng cảm với họ như thế nào? bạn biến đổi cuộc sống của họ trở nên tốt đẹp ra sao?

Cuối cùng, kết nối với độc giả của bạn bằng ngôn từ cảm xúc.

Ngay bây giờ, hãy:

  • Sử dụng từ ngữ trực quan để vẽ lên những hình ảnh rực rỡ.
  • Sử dụng từ ngữ thính giác để mô tả một âm thanh.
  • Sử dụng từ ngữ vị giác để nếm sự ngọt ngào.
  • Sử dụng từ ngữ khứu giác để ngửi hương thơm nồng nàn quyến rũ.
  • Sử dụng từ ngữ cảm giác để cảm nhận một bề mặt xù xì thô ráp.

Đó cũng là cách để giữ độc giả lang thang trên trang và biến họ trở thành khách hàng trung thành của bạn.

Dành Cho Bạn

Bạn đã áp dụng từ ngữ cảm xúc vào bài viết bán hàng của mình chưa? Và nó có giúp bạn tăng tỉ lệ chuyển đổi như kỳ vọng không? Hãy cho tôi biết trong phần bình luận.

Đánh giá post

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *