Cách Rút Gọn Câu Trong Bài Viết Bán Hàng ( Có Ví Dụ)
Hãy mở Google ra và gõ ” rút gọn câu “.
Kết quả hiện lên như thế nào?
Vâng. Chúng ta đã học cách rút gọn câu từ lớp 7, nhưng đó là phương pháp sư phạm. Bạn cần nắm rõ cấu trúc câu, các loại từ ngữ: chủ ngữ, vị ngữ, tân ngữ, danh từ, động từ,….Rút gọn câu theo phương pháp này phức tạp, cứng nhắc, thường phù hợp với viết học thuật.
Với bài viết bán hàng thì sao?
Làm thế nào rút gọn câu mà vẫn truyền đi thông điệp mạnh mẽ của bạn? Làm thế nào tách một câu dài thành 2 – 3 câu ngắn? Làm thế nào giúp khách hàng tiết kiệm thời gian đọc bài viết của bạn?
Tất nhiên, bạn vẫn có thể sử dụng phần mềm viết Content tự động để rút gọn câu, nhưng bạn sẽ không hiểu được lý do tại sao lại cần rút gọn câu văn. Do đó, ở bài viết này tôi sẽ giải thích rõ, đồng thời dạy cho bạn cách đơn giản để rút gọn câu mà không cần giỏi về ngữ pháp.
Nghe có vẻ hấp dẫn ?
Bắt đầu nhé…
FULL Khóa học Copywriting MIỄN PHÍ dành cho người mới bắt đầu >>>
Video Hướng Dẫn Kỹ Thuật Rút Gọn Câu
( Xem Video Ở Phút Thứ 4:14s)
Tiêu Chí Cần Thỏa Mãn Khi Rút Gọn Câu Trong Bài Viết Bán Hàng
Ngày nay, mỗi giây khách hàng của bạn tiếp nhận một khối lượng thông tin khổng lồ từ mạng xã hội, báo điện tử, truyền hình, podcast, youtube,…
Họ không có nhiều thời gian dành cho bạn.
Đó là lý do những câu dài làm khách hàng mệt mỏi. Họ không đủ kiên nhẫn để nghe bạn lan man về những vấn đề không liên quan. Vì thế, bạn cần bóc tách phần thừa, giữ lại thông điệp chính của câu để lôi kéo khách hàng về phía bạn.
Muốn vậy, hãy đảm bảo mỗi câu:
- Chứa tối đa 14 từ với tiếng anh, 20 từ với tiếng việt ( không bắt buộc).
- Truyền đạt một thông điệp duy nhất.
- Không dùng biệt ngữ, từ ngữ địa phương, từ yếu.
- Sử dụng câu chủ động.
Bạn sẽ học cách rút gọn câu đáp ứng những tiêu chí này ngay bây giờ…
Thế nào là từ có nghĩa ?
Không có định nghĩa chính xác, bởi nó không phải đen hay trắng, đúng hay sai. Nhưng một số từ như: rất đẹp, tuyệt vời, vô cùng lớn,..thường có rất ít ý nghĩa. Bởi nó là những đại lượng không định lượng được.
Một số từ như: điêu khắc, băm, chặt đứt, tỏa sáng, nhỏ giọt, bùng nổ,… thường có nhiều ý nghĩa hơn. Bới nó giúp độc giả hình dung ra một điều gì đó.
Vì vậy, để tìm kiếm từ có ý nghĩa hay vô nghĩa phụ thuộc vào kinh nghiệm viết bài của bạn.
Bài viết liên quan:
Rút Gọn Câu Cũng Giống Như Thợ Điêu Khắc Đá
Hãy tưởng tượng, bạn là một thợ điêu khắc lành nghề.
Bạn cắt gọt, đục đẽo, mài giũa, loại bỏ phần thô của một khối đá vô tri để tạo nên bức tượng thiếu nữ khỏa thân với những đường cong quyến rũ. Mặt trái xoan. Bờ môi quyến rũ và khuôn ngực nóng bỏng.
Bức tượng mê hoặc mọi ánh nhìn.
Rút gọn câu cũng vậy, bạn cần loại bỏ từ thừa, làm cho các câu của bạn nhịp nhàng và nhảy khỏi trang. Bạn giúp độc giả nhẹ nhàng và thanh thoát lướt qua bài viết mà không cần gắng sức. Bạn truyền đi thông điệp của mình rõ ràng và mạnh mẽ hơn.
Bạn muốn như vậy?
Làm điều đó như thế nào?
Thay vì tìm kiếm những từ yếu – vô nghĩa, hãy tìm kiếm những từ có ý nghĩa trước. Sau đó loại bỏ dần những thành phần khác để nhận được một câu sáng bóng.
Một Số Ví Dụ Thực Tế
Ví dụ 1:
Kem đánh răng Pro Care Child của chúng tôi dành cho trẻ em sẽ giúp con bạn ngăn ngừa các bệnh về răng miệng và cung cấp một giải pháp toàn diện giảm nhiệt miệng, viêm nướu, lợi, vì vậy bạn có thể yên tâm về hàm răng luôn luôn trắng sáng của con yêu.
Tìm và tô đậm từ có nghĩa:
Kem đánh răng Pro Care Child của chúng tôi dành cho trẻ em sẽ giúp con bạn ngăn ngừa các bệnh về răng miệng và cung cấp một giải pháp toàn diện giảm nhiệt miệng, viêm nướu, lợi, vì vậy bạn có thể yên tâm về hàm răng luôn luôn trắng sáng của con yêu.
Phiên bản ngắn gọn:
Kem đánh răng Pro Care Child ngăn ngừa sâu răng, giảm nhiệt miệng, viêm nướu, lợi. Vì vậy, trẻ luôn có hàm răng trắng sáng và nụ cười xinh.
Một câu dài 55 từ được rút gọn, tách thành 2 câu 16 từ và 13 từ.
Rõ ràng, độc giả không cần nỗ lực để vượt qua nội dung này. Từ ngữ đơn giản giúp họ hấp thụ thông điệp của bạn chỉ bằng 1 cái liếc mắt.
Ví dụ 2:
Có thể bạn không có ý tưởng nên bạn không biết phải viết gì, vì thế ở đoạn kết bài viết bán hàng, khách hàng không tìm thấy thông điệp chính mà bạn muốn truyền tải, thay vào đó bạn chỉ kêu gọi họ mua hàng hay chia sẻ bài viết của bạn.
Tìm và tô đậm từ có nghĩa:
Có thể bạn không có ý tưởng nên bạn không biết phải viết gì, vì thế ở đoạn kết bài viết bán hàng, khách hàng không tìm thấy thông điệp chính mà bạn muốn truyền tải, thay vào đó bạn chỉ kêu gọi họ mua hàng hay chia sẻ bài viết của bạn.
Phiên bản rút gọn:
Đơn giản vì bạn không biết phải viết gì. Thay vì truyền tải một thông điệp rõ ràng ở đoạn kết, bạn chỉ kêu gọi khách hàng mua sản phẩm hay chia sẻ bài viết cho bạn.
Trích từ bài viết:
Nếu chỉ tập trung vào những từ có nghĩa, câu văn của bạn sẽ trở nên ngắn gọn súc tích, thông điệp của bạn trở nên rõ ràng hơn.
Trong bài viết, đôi khi một số từ có ý nghĩa nào đó nhưng không đặc biệt mạnh. Vì thế, đừng băn khoăn quá lâu, hãy mạnh dạn loại bỏ nó theo trực giác của bạn. Bởi sự mạnh yếu của một từ chỉ có tính chất tương đối.
Chính xác thì viết câu ngắn khó và cần nhiều thời gian hơn câu dài. Do đó, bạn cần mài giũa kỹ năng của mình. Càng luyện tập câu văn càng thắt chặt.
Nghệ Thuật Rút Gọn Câu Văn
Nó thường xuyên xảy ra với bạn, đúng không ?
Vì một lý do nào đó, những câu thừa, đoạn văn dài có cấu trúc phức tạp thường xuyên xuất hiện trong bài viết của bạn. Do đó, hãy sử dụng kỹ thuật điêu khắc để chỉnh sửa nó:
- Tìm và bôi đậm những từ có nghĩa.
- Thay thế từ yếu bằng các từ mạnh.
- Loại bỏ những câu có ý nghĩa tương tự nhau.
- Tách câu dài thành nhiều câu ngắn.
Nếu người thợ điêu khắc đá phải mất nhiều tháng để tạo nên những kiệt tác nghệ thuật. Thì bạn cũng vậy. Bạn cần nhiều giờ bóc tách, thêm bớt từ ngữ để tạo nên những câu lấp lánh mê hoặc khách hàng.
Nhưng sự thật là câu ngắn gọn không phải mục tiêu bạn phải làm bằng mọi giá. Vì những câu dài, khi viết đúng cũng tác động mạnh mẽ đến tâm lý khách hàng . Xét cho cùng, truyền thông điệp mạnh mẽ và kết nối cảm hứng khách hàng với sản phẩm của bạn là mục đích cao nhất cần đạt được.