5 Câu Hỏi Giúp Bạn Vẽ Chính Xác Chân Dung Khách Hàng Mục Tiêu

chân dung khách hàng

Chân dung khách hàng mục tiêu là yếu tố quan trọng nhất trước khi bạn muốn bán sản phẩm dịch vụ của mình.

Nhưng hầu hết chúng ta không chú ý điều này, chúng ta đang cố gắng bán cái chúng ta có mà không phải những thứ khách hàng cần.

Kết quả?

Càng cố gắng bán hàng thì càng không bán được hàng.

Nguyên nhân vì sao?

Đó là vì bạn không biết chân dung khách hàng mục tiêu của mình là ai? bao nhiêu tuổi? làm nghề gì? giới tính? thu nhập bao nhiêu? sinh sống ở đâu? trình độ học vấn ra sao? sở thích của họ là gì?.v.v.

Tuy nhiên tất cả những điều đó chỉ là đặc điểm nhân khẩu học, bạn chưa thể bán được hàng nếu chỉ biết khái quát về họ. Bạn cần vẽ chính xác chân dung khách hàng bao gồm cả đặc điểm nhân khẩu học và tâm lý học.

Trong kỹ thuật viết bài bán hàng cũng vậy, bạn cần phân tích rõ chân dung khách hàng của mình trước khi đặt tay lên bàn phím viết những dòng đầu tiên.

Để vẽ chính xác chân dung khách hàng mục tiêu bạn cần trả lời 5 câu hỏi sau:

  • Người đọc mơ ước của bạn là ai?
  • Đặc điểm nhân khẩu học của độc giả như thế nào?
  • Khách hàng mong muốn lợi ích gì từ sản phẩm dịch vụ của bạn (lợi ích khách hàng)?
  • Những việc gì khách hàng đang cố gắng hoàn thành để đạt được những lợi ích, những điều họ mong muốn (việc khách hàng cần phải làm)?
  • Đau đớn, kết quả tồi tệ, những rủi ro và rào cản nào đang ngăn cản khách hàng đạt được mục tiêu của họ (nỗi đau khách hàng)?

Ngay bây giờ, hãy cho tôi biết…

FULL Khóa học Copywriting MIỄN PHÍ dành cho người mới bắt đầu >>>

Người Đọc Của Bạn Là Ai

Hãy tưởng tượng, bạn muốn mở một cửa hàng thời trang.

Bạn đã tìm thấy một địa điểm đẹp trên một con phố sầm uất đông người qua lại.

Bạn cần làm gì tiếp theo? Thiết kế nội thất bắt mắt? Tìm nhiều nhà cung cấp mẫu mã sản phẩm? Thuê nhân viên bán hàng? Tìm kiếm đội ngũ marketing? Đưa ra danh sách những mặt hàng cần bán? Ấn định sản phẩm chủ đạo? 

Điều đó có đảm bảo cho bạn một cửa hàng đông khách?

Không chắc là vậy!

Bởi thực tế thì khách hàng của bạn là quan trọng nhất. Bạn nên quan tâm đến họ trước khi quyết định bán sản phẩm gì. Họ là ai? Nam hay nữ? Bao nhiêu tuổi? Điều kiện kinh tế của họ ra sao? 

Vâng. Cửa hàng của bạn vẫn có thể tồn tại nhưng không thể có “lợi nhuận cao” nếu bạn không biết chính xác khách hàng của bạn là ai.

Cũng giống như một cửa hàng thời trang, bạn hãy tự hỏi…

1. Ai Đọc Bài Viết Của Bạn

Trước khi bắt đầu viết, bạn nên tìm hiểu ai sẽ đọc bài viết của bạn? Lý do đặc biệt nào khiến họ bỏ qua hàng triệu bài viết khác và dành thời gian quý báu của mình để tìm đến lời khuyên của bạn?

Nếu bạn không thể trả lời được 2 câu hỏi đó thì nội dung bạn viết ra sẽ đi theo vô số hướng và chìm nghỉm trong biển nội dung tràn ngập trên Internet.

Chưa ai nói cho bạn biết là khi tìm kiếm khán giả cho nội dung của mình. Bạn chỉ nên vẽ chân dung họ là một người đọc lý tưởng duy nhất chứ không phải là một nhóm người.

Tại sao lại như vậy?

Hãy tưởng tượng, bạn đứng trước một nhóm người vô danh. Mỗi người một tính cách khác nhau. Họ đang nói chuyện ồn ào. Như thế, việc bạn thuyết phục tất cả họ nghe theo lời khuyên của bạn là vô cùng khó khăn. Nó giống như bạn đang cầm chiếc loa và cố gắng la hét để giải tán một đám đông hỗn loạn.

Do đó, hình dung chỉ một người đọc lý tưởng duy nhất cho bài viết của bạn là cách tốt nhất giúp bạn đồng cảm với độc giả. Bạn dễ dàng thấu hiểu nỗi đau, nỗi sợ hãi, sự đấu tranh trong tâm trí và ước mơ lớn nhất của họ. 

Và vô hình chung, bất cứ ai phù hợp với đặc điểm khách hàng lý tưởng duy nhất đó đều sẽ cảm thấy bạn như đang viết cho họ và đang tâm sự cùng họ.

Bây giờ, hãy nhắm mắt lại và tưởng tượng bạn đang trò chuyện trực tiếp với người đó. Bạn cảm thấy sao? Mắt họ chăm chú nhìn bạn hay lơ đễnh nhìn ra hướng khác? Họ có đang cười với bạn không? Họ lắc lư người hay chạm nhẹ vào cơ thể bạn? Họ khoanh tay trước ngực hay đan ngón tay vào nhau?

Hình dung ra khuôn mặt người đọc là bí quyết giúp bạn tăng tính trò chuyện và hấp dẫn khi viết bài. Nhưng đối với một số người, việc này vô cùng khó khăn.

Vậy làm thế nào bạn có thể tìm thấy họ?

2. Kỹ Thuật Vẽ Chân Dung Khách Hàng

Đầu tiên, hãy tạo ra hình tượng người đọc mơ ước mà bạn mong muốn làm việc cùng.

Ví dụ:

Đó là Nguyễn Phương Hoa. Cô là một phụ nữ khoảng 23 – 27 tuổi. Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Marketing. Đã đi làm và có khả năng viết lách. Cô luôn coi trọng sự phát triển bản thân. Cô đang tìm kiếm các khóa học nâng cao để làm chủ kỹ năng viết của mình

Sau đó, vào trang Google hình ảnh và gõ cái tên Nguyễn Phương Hoa với những đặc điểm như trên. Vài phút sau, bạn sẽ tìm thấy một hình ảnh đúng ý của mình.

Bây giờ, hãy in bức ảnh đó ra và dán cạnh máy tính hay bất cứ nơi nào bạn có thể nhìn thấy khi viết bài. Bạn sẽ thấy việc làm tưởng như ngớ ngẩn đó lại vô cùng hữu ích, bài viết của bạn sẽ trở nên duyên dáng và đàm thoại hơn rất nhiều. Bạn sẽ ngạc nhiên khi dễ dàng thuyết phục khách hàng mơ ước của mình chỉ với 1 bức ảnh.

Đặc Điểm Nhân Khẩu Học

Sau khi có hình ảnh người đọc mơ ước bạn cần liệt kê tất cả những gì có thể về họ, càng chi tiết càng tốt. 

Giống như một lý lịch trích ngang, việc làm này sẽ vẽ lên một chân dung rõ ràng của người mà bạn sẽ làm việc cùng. Nó giúp bạn kết nối cảm xúc với họ trong khi viết bài.

Thông tin bao gồm: tên, tuổi, giới tính, nghề nghiệp, thu nhập, trình độ văn hóa, độc thân hay đã có gia đình, có con chưa, đi xe gì, thích nghe nhạc gì,.v.v.

Để đơn giản hóa quá trình này. Tôi đã giúp bạn tạo một bản Profile chi tiết chân dung người đọc mơ ước.

Đặc Điểm Tâm Lý Học

Nếu đặc điểm nhân khẩu học giúp bạn vẽ chính xác vẻ bề ngoài của độc giả thì hiểu tâm lý học sẽ giúp bạn đi sâu vào tâm trí họ, thuyết phục họ mua sản phẩm dịch vụ của bạn.

Bạn cần phải biết…

3. Độc Giả Mong Muốn Nhận Được Lợi Ích Gì

Lợi ích mô tả những kết quả mà độc giả mong muốn đạt được hay những lợi ích cụ thể mà họ đang tìm kiếm. Nhiệm vụ của bạn là cho họ thấy những lợi ích đó trong bài viết của mình.

Có một vài lợi ích mang tính chất thiết yếu, được khách hàng kỳ vọng và khao khát, nhưng có một vài lợi ích khác khiến họ ngạc nhiên. Bạn có thể trả lời những câu hỏi sau đây để tìm ra những điều mà khách hàng (người đọc) đang mơ ước có được.

  • Khách hàng muốn tiết kiệm bao nhiêu tiền? Họ đang nỗ lực tiết kiệm thời gian hay tiền bạc?
  • Họ kỳ vọng gì ở chất lượng sản phẩm?
  • Sản phẩm, dịch vụ hiện tại có khiến họ hài lòng không? Họ thích những tính năng cụ thể nào?
  • Khách hàng kỳ vọng vọng gì ở hiệu quả và chất lượng sản phẩm?
  • Điều gì ở sản phẩm khiến họ cảm thấy có thể giúp họ gia tăng quyền lực và địa vị xã hội của mình?
  • Đặc điểm gì ở sản phẩm khiến khách hàng khao khát nhất?
  • Họ có đang tìm kiếm thiết kế đẹp, các điều kiện bảo hành, các tính năng cụ thể hay nhiều tính năng hơn sản phẩm cũ không?
  • Khách hàng đang ao ước điều gì nhất? Điều gì sẽ khiến cuộc sống của họ dễ thở hơn?
  • Điều gì gia tăng khả năng khách hàng lựa chọn một giải pháp mới?
  • Khách hàng đang ưu tiên lựa chọn sản phẩm về giá thành, đầu tư ít rủi ro hay chất lượng sản phẩm tốt hơn?

Nếu trả lời thành công những câu hỏi đó là bạn đã chạm tay vào ước mơ thầm kín của khách hàng.

Tuy nhiên, để đạt được điều đó thì khách hàng cần làm những công việc gì?

Đó là nội dung phần tiếp theo, hãy đọc tiếp…

4. Những Việc Khách Hàng Cần Làm

Việc cần làm là những điều khách hàng muốn hoàn thành trong công việc hay cuộc sống của họ. Đó có thể là một nhiệm vụ mà khách hàng muốn thực hiện và hoàn tất, các vấn đề cần giải quyết, những nhu cầu họ đang tìm cách thỏa mãn.

Bạn cần chỉ ra chính xác trong bài viết của mình những công việc nào mà khách hàng cần làm để giải quyết nỗi đau và tiến đến niềm mơ ước của họ.

Ví dụ: để làm sạch sân vườn thì việc cần làm của khách hàng là phải “cắt cỏ”.

5. Nỗi Đau Khách Hàng Đang Gặp Phải

Nỗi đau khách hàng đang gặp phải là bất cứ thứ gì khiến khách hàng khó chịu trước, trong và sau khi cố gắng thực hiện một việc cần làm hoặc thứ gì đó ngăn cản họ hoàn thành việc cần làm. Nỗi đau cũng có thể là những hậu quả xấu mà khách hàng có thể gặp phải nếu không hoàn thành việc cần làm.

Định nghĩa này có vẻ khá trừu tượng, phải không?

Để đơn giản, hãy trả lời những câu hỏi sau, bạn sẽ tìm ra những nỗi đau tiềm ẩn từ khách hàng của mình…

  • Điều gì ở sản phẩm dịch vụ khiến khách hàng cảm thấy khó chịu, bực bội và tồi tệ?
  • Khách hàng coi trọng điều gì nhất: thời gian, tiền bạc hay nỗ lực thực hiện công việc?
  • Các tính năng hiện tại của sản phẩm dịch vụ có đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng không?
  • Khách hàng có gặp khó khăn gì trong cách thức sản phẩm, dịch vụ vận hành không?
  • Khách hàng lo sợ mất mát điều gì? Họ có lo sợ mất mát quyền lực, địa vị, uy tín không?
  • Khách hàng có lo sợ về rủi ro tài chính không?
  • Điều gì khiến khách hàng mất ăn mất ngủ mỗi đêm? Đâu là những vấn đề, lo ngại và lo lắng thường trực của họ?
  • Khách hàng thường mắc những sai lầm phổ biến gì? Họ có đang sử dụng một giải pháp sai cách không?

Như vậy, nếu trả lời được 5 câu hỏi lớn ở trên thì bạn sẽ vẽ chính xác chân dung khách hàng. Dựa trên những đặc điểm về Nhân khẩu học và Tâm lý học bạn hoàn toàn có thể xây dựng cho mình một nội dung đúng tâm lý khách hàng.

Bạn muốn 1 ví dụ để hiểu hơn những phân tích lý thuyết ở trên?

Vâng. Tôi sẽ vẽ chân dung của ” Độc giả Nội Dung Là Vua Chấm Com”

Chân Dung Khách Hàng Của Blog Nội Dung Là Vua

chân dung khach hàng
Chân dung độc giả của Nội Dung Là Vua

Vẽ Chân Dung Khách Hàng Để Giúp Họ Có Cuộc Sống Tốt Đẹp Hơn

Tạo nội dung hấp dẫn đòi hỏi năng lượng, sự sáng tao và làm việc chăm chỉ. Hơn hết, bạn cần hiểu khách hàng mục tiêu của mình. Bạn cần phải mơ những giấc mơ của họ. Chia sẻ nỗi đau của họ. Hướng dẫn họ làm đúng quy trình.

Bằng cách nào?

Bằng cách vẽ thật chính xác chân dung khách hàng.

Nhớ rằng, càng đi sâu vào tâm trí khách hàng bạn càng biết cách dễ dàng thuyết phục họ sử dụng sản phẩm dịch vụ của bạn.

Cố gắng mô tả chính xác chân dung khách hàng là cách tốt nhất để bạn chỉ cho họ con đường đi đến với hạnh phúc. Bạn giải thích cách sản phẩm dịch vụ của bạn hoạt động, giúp khách hàng vượt qua bất kỳ sự lưỡng lự nào trước khi mua hàng, đưa ra được những ưu đãi phù hợp và thúc đẩy người đọc quyết định chi tiền.

Đó là mục đích tại sao bạn phải vẽ thật chi tiết chân dung khách hàng của mình.

Nó có thể khó khăn, nhưng nó đáng giá.

5/5 - (2 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *