Ẩn Dụ Là Gì: Cách Vẽ Hình Ảnh Sống Động Và Quyến Rũ Độc Giả Bằng Ngôn Từ Của Bạn (Ví Dụ Chi Tiết)
Sau bữa tối.
Lan Anh ngồi vào bàn làm việc.
Cô dặn lòng, bài viết hôm nay phải thật xuất sắc, cuốn hút và thuyết phục. Cô muốn hạ gục mọi trái tim độc giả dù là người khó tính nhất. Cô sẽ chiếm lấy linh hồn họ.
Bằng cách nào?
Rõ ràng, Lan Anh đã:
- Rắc một vài từ quyền lực để thôi miên độc giả.
- Xây dựng sức mạnh cho văn bản bằng động từ mạnh.
- Giữ độc giả tập trung cùng danh sách các gạch đầu dòng.
- Rút gọn câu để tiết kiệm thời gian đọc bài viết.
- Tăng sự mượt mà cho văn bản bằng câu chuyển tiếp.
- Biến cuộc đàm thoại 1 chiều thành đối thoại 2 chiều với câu hỏi mở.
- Sử dụng nhịp điệu để tạo ra những đoạn điệp khúc bắt tai và dễ nhớ.
Vâng. Lan Anh đã làm tất cả những gì có thể để thuyết phục khách hàng mua sản phẩm của mình. Mặc dù thời gian trung bình trên trang tăng lên nhưng tỉ lệ chuyển đổi thành đơn hàng vẫn không đạt kỳ vọng.
Nguyên nhân tại sao? Lan Anh còn thiếu gì?
Thực tế, cô ấy không đơn độc.
Vì nhiều người cũng đang gặp vấn đề tương tự. Cả bạn và tôi.
Giải pháp là gì?
Đừng lo lắng. Phép ẩn dụ là câu trả lời xuất sắc.
Phép ẩn dụ thêm gia vị, màu sắc và cá tính vào văn bản. Tăng cảm xúc cho dữ liệu thô, chuyển đổi vấn đề từ cụ thể sang trừu tượng hoặc từ trừu tượng sang cụ thể. Phép ẩn dụ khơi dậy những hình ảnh sống động trong tâm trí độc giả, dụ dỗ họ ở lại trên trang lâu hơn và thôi thúc họ thực hiện một hành động cụ thể ( để lại email – số điện thoại, gọi điện thoại xin tư vấn, mua hàng trực tiếp trên website,…)
Nghe hay đấy?
Hãy tìm hiểu xem phép ẩn dụ là gì?
Video Hướng Dẫn Cách Sử Dụng Phép Ẩn Dụ
( 9 Phút 05 Giấy)
Làm Thế Nào Gán Trải Nghiệm Thực Tế Như Một Phép Ẩn Dụ
Phép ẩn dụ là gì?
Ẩn dụ là quá trình ẩn đi vật, hiện tượng, sự việc này và gán bằng một vật, hiện tượng, sự việc khác tương đồng nhưng không liên quan đến nhau. Điều này giúp độc giả có một trải nghiệm trung thực khi sử dụng sản phẩm dịch vụ của bạn. Độc giả như thấy mình là nhân vật chính, có thể nghe – ngửi – nếm – nhìn và cảm nhận lời nói của bạn thông qua các hình ảnh hiện lên trong tâm trí họ.
Hoặc bạn có thể xem một định nghĩa khác về phép ẩn dụ tại wikipedia.
Như bạn đã biết.
Nếu câu hỏi mở tạo ra cuộc đối thoại 2 chiều, thì trải nghiệm thực tế sẽ giúp bạn xây dựng câu chuyện đầy màu sắc xuyên suốt cuộc đối thoại đó. Một câu chuyện hấp dẫn và thu hút độc giả.
Điều gì xảy ra nếu gán trải nghiệm thực tế như một phép ẩn dụ?
Tất nhiên rồi. Độc giả nhiệt tình đón nhận, một bức tranh rõ ràng được vẽ lên trong tâm trí họ.
Về cơ bản, một trải nghiệm thực tế tốt nhất nên là những vật, việc, hiện tượng có tính chất phổ biến, đại chúng và nhiều người biết đến. Bởi khi đó, độc giả nhận được sự gần gũi từ trái tim bạn, họ dễ dàng đồng cảm với bạn. Bạn nhanh chóng kéo độc giả vào thế giới khác, trải nghiệm câu chuyện như thể họ đang ở đó.
Hãy để tôi làm rõ bằng…
Một Số Ví Dụ Cụ Thể
Ví dụ 1: Cách mô tả nhịp điệu của văn bản:
Đã bao giờ bạn muốn câu văn của mình nhảy múa trong tâm trí độc giả?
Giống như cách một nhạc sĩ tài năng gieo vào đầu bạn những giai điệu ngọt ngào. Bạn say mê và lẩm nhẩm những điệp khúc bắt tai đó suốt cả ngày.
Trích từ bài viết: Làm Thế Nào Tạo Nhịp Điệu Bắt Tai Cho Bài Viết Của Bạn.
Tại sao phép ẩn dụ này hoạt động hiệu quả?
Tất cả mọi người đều có trải nghiệm thực tế với một thể loại nhạc nào đó. Họ biết như thế nào là một bài hát hay. Và thật dễ hình dung khi nhịp điệu văn bản của bạn được so sánh với những giai điệu ngọt ngào.
Ngoài ra, động từ mạnh “nhảy múa” tạo ấn tượng thị giác mạnh mẽ; những từ chỉ sự chuyển động như gieo, lẩm nhẩm cũng làm cho câu chuyện trở nên sống động hơn.
Và hơn hết, hầu hết mọi người nhìn thấy hình ảnh của họ trong đó. Gần gũi và quen thuộc.
Ví dụ 2: hình tượng hóa sự mượt mà của bài viết
Hãy tưởng tượng, trước mặt bạn là một chuỗi Domino xếp liên tiếp nhau.
Nếu bạn đẩy quân Domino đầu tiên.
Chuyện gì sẽ xảy ra?
Đó là sự sụp đổ dây chuyền của các quân Domino còn lại.
Bài viết cũng vậy.
Nếu coi nội dung của bạn là tập hợp các quân Domino ghép lại. Thì bạn có nhiệm vụ làm cho mỗi câu chảy liền mạch vào các câu tiếp theo. Bạn phải làm khách hàng trượt đi dường như không thể dừng lại. Vì thế, bài viết của bạn cần trơn tru và loại bỏ mọi ma sát để tăng trải nghiệm cho khách hàng.
Trích từ bài viết: Kỹ Thuật Xây Dựng Sự Mượt Mà Cho Bài Viết Bằng Câu Chuyển Tiếp.
Tại sao phép ẩn dụ này hoạt động tốt?
Mỗi câu văn được so sánh với một quân Domino; và sự mượt mà của văn bản được so sánh với sự sụp đổ của chuỗi Domino. Những hình ảnh này rất gần gũi, cụ thể và dễ tưởng tượng.
Bạn từng nhìn thấy chuỗi Domino sụp đổ? Đó cũng là cách câu văn của bạn trượt lên nhau để có những dòng chảy mượt mà.
Bằng cách kết hợp động từ mạnh “sụp đổ dây chuyền” “chảy liền mạch” “trượt đi” với từ cảm giác “ma sát” , các câu văn dường như trôi chảy hơn, tạo hình ảnh mạnh mẽ hơn trong tâm trí độc giả.
Đọc thêm:
>>>> Làm Thế Nào Tác Động Vào Cảm Xúc Độc Giả Bằng Từ Cảm Giác.
Lôi kéo độc giả vào trang của bạn là công việc khó khăn. Giữ cho họ tập trung trên trang còn khó khăn hơn nhiều. Vì vậy, bạn cần có một tư duy trực quan kết hợp trải nghiệm thực tế để xây dựng lên những hình ảnh sống động bằng văn bản. Đó chính là thời điểm phép ẩn dụ của bạn phát huy sức mạnh.
Điều gì giúp một phép ẩn dụ hoạt động tốt?
Những Yếu Tố Quyết Định Một Phép Ẩn Dụ Hoạt Động Hiệu Quả
Phép ẩn dụ hoạt động tốt khi có ít nhất một trong những điều kiện sau:
- Mô tả vật, sự việc, hiện tượng đơn giản, có tính đại chúng, càng phổ biến càng tốt để tạo sự gần gũi.
- Xây dựng một bức tranh sống động chỉ với một vài câu ( dưới 150 từ) sẽ không làm câu chuyện trở nên lan man, nhàm chán.
- Tạo sự bất ngờ, ngạc nhiên để thu hút sự chú ý.
- Tác động vào 5 giác quan, giúp độc giả dường như nghe – nhìn – nếm – ngửi – cảm nhận được điều gì đó trong tâm trí họ.
Đây là cách bạn sử dụng một vật phổ biến như “cuốn menu trong nhà hàng” để gán cho hệ thống tiêu đề phụ:
Giống như menu trong một nhà hàng. Tiêu đề phụ phải thật nổi bật để được chọn. Vì thế, bạn cần sử dụng từ ngữ cảm giác khi kết hợp vấn đề với lợi ích khách hàng và 2 phương pháp viết tiêu đề phụ. Điều này tạo ra trải nghiệm tốt cho khách hàng, thu hút họ và cám dỗ họ nhấp vào tiêu đề phụ của bạn.
Trích từ bài viết: Bật Mí Kỹ Thuật Tạo Tiêu Đề Phụ Cho Bài Viết Của Bạn Trong 5 Phút.
Hoặc tạo bất ngờ, khiến cho độc giả ngạc nhiên khi so sánh quy trình gọt một quả dứa với chỉnh sửa một đoạn văn.
Hãy tưởng tượng một quả dứa trên tay bạn.
Bạn dùng dao cắt phần ngọn, gọt hết vỏ xù xì và loại bỏ toàn bộ mắt dứa gai góc.
Quy trình chỉnh sửa đoạn văn cũng vậy. Một đoạn văn được gọi là “ngon” và độc giả sẵn sàng “ăn sạch sẽ” khi bạn:
Cắt gọt, rút gọn câu dài thành 2 – 3 câu ngắn hơn. Tối ưu sao cho tối đa 4 đến 7 câu/đoạn. Cuối cùng, loại bỏ các từ yếu- từ vô nghĩa và bổ sung động từ mạnh để tăng sức mạnh cho văn bản.
Trích từ bài viết: Tiết Lộ Quy Trình Chỉnh Sửa Một Đoạn Văn Trước Khi Xuất Bản Bài Viết.
Rõ ràng, với phép ẩn dụ bạn có thể phác thảo những bức tranh lớn, mô tả nó bằng những chi tiết nhỏ hơn, cụ thể hóa bằng ví dụ thực tế, tạo nên hình ảnh sống động bằng những câu chuyện. Bạn vẽ những hình ảnh đó trong tâm trí độc giả chỉ bằng một vài từ.
Điều tuyệt vời là bạn có thể làm như sau:
5 Cách Sử Dụng Hiệu Quả Phép Ẩn Dụ Trong Bài Viết Của Bạn
Để tôi nói cho bạn biết…
Một người kể chuyện hay cần giữ nhịp điệu tốt, mê hoặc họ bằng ngôn từ thôi miên và hình ảnh sinh động. Muốn vậy, hãy đặt phép ẩn dụ tại những vị trí hợp lý để tạo trải nghiệm giác quan tốt, dụ dỗ độc giả ở lại trang trước khi họ quay lưng bỏ đi.
Sử dụng phép ẩn dụ ở đâu ?
1. Tiêu Đề Bài Viết
Theo nghiên cứu của Brian Dean sáng lập viên backlinko.com , một tiêu đề cảm xúc tích cực hoặc tiêu cực sẽ cải thiện tỉ lệ click (CTR) khoảng 7%.
Và chắc chắn một tiêu đề kết hợp phép ẩn dụ không làm bạn thất vọng.
1. Chiến Lược Đại Dương Xanh: Cách Truy Tìm Sản Phẩm Ít Cạnh Tranh Trong Thị Trường Ngách Của Bạn.
2. Cách Tạo Hiệu Ứng Domino Cho Văn Bản Của Bạn ( Nguồn ).
3. Làm Thế Nào Mô Tả Sản Phẩm Cuốn Hút Như Apple ( Nguồn).
Đọc thêm:
>>>> Bật Mí 24 Công Thức Viết Tiêu Đề Quyến Rũ Khách Hàng Dành Cho Bạn.
2. Đoạn Mở Đầu
Ngay khi vượt qua tiêu đề hấp dẫn là đoạn mở đầu không thể cưỡng lại. Ở đó, bạn cần mô tả một bức tranh rõ ràng và sinh động trong tâm trí độc giả. Giúp họ bắt đầu hành trình trải nghiệm câu chuyện của bạn như thể họ là nhân vật chính.
Làm nó như thế nào?
Phân tích ví dụ sau:
Hãy tưởng tượng, bước vào một quán cà phê.
Sau khi ngồi xuống, nhân viên mang cho bạn một ly nước và hỏi:
Anh/chị uống gì ạ?
Vâng. Một cuộc trò chuyện thường bắt đầu như thế.
Viết cũng vậy, cho dù độc giả của bạn đã vượt qua tiêu đề thu hút, nhưng con trỏ chuột vẫn luôn ở tư thế sẵn sàng click để quay lại nếu họ cảm thấy nhàm chán với những dòng đầu tiên. Vì vậy, một câu mở đầu content hay – hấp dẫn sẽ giữ chân họ trên trang.
Trích từ bài viết: Kỹ Thuật Viết Dòng Mở Đầu Để Dụ Dỗ Độc Giả Tham Gia Vào Câu Chuyện Của Bạn.
Đã bao giờ bạn bước vào một quán cà phê chưa? Nhân viên trong quán nói chuyện với bạn như thế nào? Họ hành động ra sao?
Tôi đoán bạn nhìn thấy mình trong đoạn mở đầu này, đúng không?
3. Đoạn Kết Bài Viết
Hãy nhớ rằng, cho dù độc giả suy nghĩ bằng lời nói thì hình ảnh vẫn hiện lên trong tâm trí họ.
Như kết bài sau:
Hãy tưởng tượng, thứ 7 này bạn sẽ nấu bữa tối để chiêu đãi người bạn lâu ngày mới gặp lại.
Nếu bài viết của bạn là một bữa tối hoàn hảo, thì viết đoạn mở đầu sẽ giống như giai đoạn chuẩn bị nguyên liệu. Bạn cần biết người bạn đó thích ăn gì? Không ăn được gì? Có ăn được cay không? Có dị ứng với thức ăn gì không? Họ có ăn chay không?
Tóm lại, cô/ anh ấy chỉ ngon miệng với những món ăn ưa thích của mình.
Đoạn mở đầu bài viết bán hàng cũng giống như vậy. Bạn có hiểu cảm giác lo lắng, thất vọng của khách hàng không? Họ đang vật lộn với vấn đề gì? Họ có nỗi đau gì cần giải quyết? Ước mơ của họ là gì?. Đó là nguyên liệu cần thiết để có một đoạn mở đầu quyến rũ. Từ đó, giúp khách hàng của bạn tin tưởng và sẵn sàng sử dụng sản phẩm dịch vụ của bạn đưa ra.
Trích từ bài viết: Làm Thế Nào Tạo Ra Những Đoạn Mở Đầu Không Thể Cưỡng Lại.
Làm thế nào giữ độc giả tập trung hơn? Thông điệp nào bạn muốn truyền tải? Hãy ẩn dụ nó với hình ảnh cụ thể bằng cách vẽ những bức tranh rõ ràng nhất trong tâm trí họ.
4. Bằng Chứng Xã Hội
Chúng ta không thể phủ nhận sức mạnh của những con số. Nhưng đôi khi, độc giả khó hình dung ra nó bé như nào? to lớn ra sao? mạnh mẽ cỡ nào?
Phép ẩn dụ tỏ ra hiệu quả trong trường hợp này.
Ví dụ:
Cơn bão cấp 15 kinh khủng như thế nào?
Hãy tưởng tượng, khi cơn bão quét ngang qua đường quốc lộ, nó sẽ quật đổ một chiếc container như cách chúng ta lật một lá bài tây.
Hay giải thích độ lớn của 110 tỉ USD.
Với 110 tỉ USD tiền mặt của Apple, bạn có thể sở hữu những gì ?
Vâng.
Bạn sẽ mua được:
+ 5.8 tỉ chiếc áo phông.
+ 202 triệu chiếc Macbook Air.
+ Thuê 1.8 triệu nhân viên an ninh.
+ 275 triệu chiếc iPad.
+ 7 siêu xe Ferrari.
+ 110 triệu máy ảnh kỹ thuật số.
+ 3.8 tỉ tai nghe Apple.
Trích nguồn: Bloomberg/Infonet
Bạn đã ứng dụng kỹ thuật này trong bài viết của mình chưa?
Nếu chưa. Hãy làm ngay và xem kết quả.
5. Giải Thích Lợi Ích Sản Phẩm
Phải khẳng định rằng, khách hàng không mua tính năng sản phẩm mà họ mua lợi ích của sản phẩm đó đem lại. Họ mua phiên bản tốt hơn cho cuộc sống của họ.
Giống như insight khách hàng, đó là thứ vô hình, không cầm nắm được. Vì vậy, hãy hình tượng hóa lợi ích sản phẩm bằng phép ẩn dụ, giúp khách hàng nhận ra những hình ảnh gần gũi nhất với họ.
Rõ ràng máy rửa bát dùng để rửa bát, tiết kiệm thời gian công sức mỗi ngày cho khách hàng. Nhưng làm thế nào họ cảm nhận toàn bộ lợi ích nó mang lại.
Thay vì nói máy rửa bát tiết kiệm cho bạn 50 phút rửa bát mỗi ngày. Hãy sử dụng phép ẩn dụ:
Hãy tưởng tượng sau mỗi bữa cơm gia đình…
Trong khi các thành viên khác trong gia đình ngồi uống trà, ăn hoa quả, xem ti vi. Còn bạn phải còng lưng xử lý một mâm đầy bát đũa, xoong nồi. Mất hàng tiếng đồng hồ mỗi ngày. Bạn cảm thấy mệt mỏi. Chán nản.
Bạn không muốn việc này tiếp diễn cả đời?
Vâng. Máy rửa bát YYYY hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đó.
Công việc của bạn đơn giản chỉ là 5 phút xếp bát đũa vào máy và nhấn nút.
Có thể khẳng định rằng.
Những hình ảnh đời thường nhất là lực hút mạnh mẽ nhất giúp bạn mê hoặc độc giả. Bởi nó là trải nghiệm, nỗi đau, vấn đề, mong muốn luôn thường trực trong tâm trí họ. Vì vậy, hãy lợi dụng nó để tạo màu sắc nổi bật cho bài viết của mình.
Tiếp theo là phần khá thú vị dành cho bạn…
Ẩn Dụ Hóa Những Từ Ngữ Trừu Tượng
Đúng vậy.
Thật dễ tưởng tượng ra vị ngọt của cam, vị chua của chanh và vị cay của ớt. Đó là những từ ngữ cụ thể.
Nhưng có thể bạn không cảm nhận được mùi vị của một người thành công. Không thể nếm được cảm giác của một người thất bại. Không thể nghe được âm thanh của một người đang đau khổ.
Chiến thắng, thành công, đau khổ là trừu tượng. Những cụm từ này không gợi lên một hình ảnh cụ thể trong tâm trí chúng ta trừ khi tô vẽ thêm nhiều chi tiết khác.
Làm như thế nào?
Vâng. Thay vì nói ” Minh chiến thắng trong cuộc thi chạy 5000m dài. Anh ấy đã thành công. “, chúng ta có thể ẩn dụ như sau:
Trong 20m cuối cùng trên đường đua, Minh dường như đã rút cạn những hơi thở cuối cùng trong cơ thể để bứt tốc. Cán đích đầu tiên, hạnh phúc và òa khóc như một đứa trẻ; anh ấy cảm thấy mình đã chạm đến thành công.
Bạn có thấy hình ảnh của Minh đang rướn mình bứt tốc không? Bạn có thấy anh ấy băng ngang qua vạch đích không? Bạn có thấy nét mặt hạnh phúc với những giọt nước mắt lăn trên má không?
Tất cả những hình ảnh đó là ẩn dụ trừu tượng của “ thành công “.
Do đó khi viết bài, bạn cần cụ thể hóa những gì trừu tượng để độc giả có thể tưởng tượng ra nó trong tâm trí. Vì chỉ có như vậy bài viết của bạn mới trở nên hấp dẫn trong mắt họ.
Hãy tự hỏi từ/ cụm từ này có rõ ràng không? Hình ảnh nào hiện lên trong tâm trí độc giả khi đọc to câu này? Họ có nghe-nhìn-ngửi-nếm-cảm nhận được gì không?
Trả lời chính xác những câu hỏi này có nghĩa là bạn dịch chuyển thành công từ ngữ trừu tượng sang cụ thể trong bài viết của mình.
Và bây giờ hãy học cách sử dụng sức mạnh của phép ẩn dụ trong bài viết bán hàng.
Ứng Dụng Phép Ẩn Dụ Vào Bài Viết Bán Hàng
Trong thực tế, không khó để bắt gặp phép ẩn dụ trong quảng cáo bán hàng.
Chẳng hạn:
Ngọt ngào như vòng tay âu yếm. ( Alpenliebe).
Mỏng như không, thông chân thật ( Durex ).
Chiến dịch quảng cáo của nhiều nhãn hàng có ứng dụng phép ẩn dụ đều khá thành công. Bởi khi đó tâm trí khách hàng sẽ hiện lên những hình ảnh chân thực nhất.
Ứng dụng vào bài viết bán hàng như thế nào?
Ví dụ #1: So sánh cảm giác nắm tay người yêu với sự mềm mại của bọc vô lăng ABC.
Bạn từng nắm tay người yêu của mình?
Đó là cảm giác khi bạn cầm lái bằng bọc vô lăng ABC. Mềm mại, nhẹ nhàng êm ái và thấm hút mồ hôi.
Ví dụ #2: So sánh sự mát mẻ của điều hòa nhiệt độ với quá trình tắm mát.
Tôi chắc chắn bạn biết cảm giác đó.
Được dầm mình dưới làn nước mát trong những ngày hè oi bức, khi mà nhiệt độ lên đến 37 – 38 độ C. Thật tuyệt vời khi đầu óc tỉnh táo và một cơ thể sạch sẽ không còn mùi hôi khó chịu.
Giống như khi được tắm mát, điều hòa nhiệt độ XYZ giúp bạn sảng khoái suốt cả ngày.
Đặc biệt là bạn không còn lo lắng bị sốc nhiệt, cơ thể luôn khô thoáng. Điều đó giúp bạn khỏe mạnh hơn, làm việc hiệu quả hơn và sáng tạo hơn.
Ví dụ #3: Ẩn dụ quá trình chạy bộ luyện tập buổi sáng với máy chạy tại nhà.
Một người mập thường bị ám ảnh bởi cân nặng của mình. Anh ta luôn tìm cách giảm cân để trở nên khỏe mạnh hơn và đẹp hơn trong mắt mọi người.
Anh ấy thường xuyên phải dậy sớm và lao ra đường chạy hàng chục cây số mỗi ngày.
Hãy quên ngay việc đó đi, bởi Sport-Max giúp bạn chạy bộ ngay tại nhà, bạn có thể luyện tập bất cứ khi nào có thời gian rảnh không kể thời tiết nắng mưa.
Ví dụ #4: So sánh độ đàn hồi của làn da với quả bóng cao su
Đã bao giờ bạn cầm quả bóng cao su lên và bóp méo nó ?
Điều gì xảy ra khi bạn nhả tay?
Vâng. Quả bóng trở lại trạng thái ban đầu. Căng và bóng mịn.
Cũng giống như vậy. Kem dưỡng XYZ giúp làn da của bạn:
+ Tăng cường độ đàn hồi, co dãn tốt hơn.
+ Se khít lỗ chân lông.
+ Trắng sáng láng mịn không tì vết.
Ví dụ #5: So sánh ca sĩ bán CD-DVD với cách bạn bán sản phẩm trên blog
Giống như ca sĩ thường bán CD-DVD tặng kèm chữ ký sau mỗi live-show của họ.
Việc tạo ra các sản phẩm (sản phẩm số hoặc sản phẩm vật lý) và bán chúng trên blog sẽ giúp bạn tăng khả năng nhận diện thương hiệu cá nhân. Từ đó, giúp bạn lan tỏa giá trị và bán thêm được nhiều sản phẩm khác có giá trị cao hơn.
Chính xác thì bạn có thể áp dụng phép ẩn dụ vào tất cả sản phẩm dịch vụ của mình. Miễn là bạn có thể gán nó bằng một hình ảnh cụ thể nào đó. Phép ẩn dụ khiến bài viết của chúng ta có sức sống, tràn đầy năng lượng, giảm bớt phần trừu tượng và chung chung.
Tuy nhiên, bạn cần chú ý…
Những Sai Lầm Khi Sử Dụng Phép Ẩn Dụ
Bạn thấu hiểu sức mạnh của phép ẩn dụ?
Bạn muốn áp dụng nó vào bài viết của mình?
Nhưng để đạt hiệu quả cao nhất, bạn cần tránh 2 sai lầm phổ biến sau:
- Nhồi nhét quá nhiều ( lớn hơn 3 ) phép ẩn dụ trong cùng 1 bài viết khiến độc giả mất tập trung và không ghi nhớ được thông điệp bạn muốn truyền tải.
- Sử dụng từ sáo rỗng, từ yếu, độc giả cảm thấy bạn không thành thật, bạn đang nói quá về sản phẩm dịch vụ của mình.
Đọc thêm:
>>>> Cách Nhận Diện Và Loại Bỏ Từ Sáo Rỗng, Từ Yếu Trong Bài Viết Của Bạn.
Nghệ Thuật Kết Nối Với Trí Tưởng Tượng Của Độc Giả
Có thể bạn cho rằng, một số ví dụ trong bài viết này có sự không rõ ràng giữa phép ẩn dụ, so sánh, tương tự, hoán dụ, nói quá,…
Điều đó không hoàn toàn đúng và cũng đừng quan trọng hóa vấn đề này.
Vì ở đây không phải là một cuộc thi về văn chương và ngữ pháp tiếng việt. Đừng quan tâm đến nó, hãy viết để đi sâu vào tâm trí độc giả và cố gắng chiếm lấy cảm xúc của họ. Do vậy, pha trộn giữa các phép tu từ khác nhau là cần thiết để tạo nên sự mềm mại cho văn bản. Đây cũng là lý do bài viết này ra đời.
Hãy nhớ, để quyến rũ độc giả của mình thì bạn phải thật xuất sắc và cuốn hút. Thuyết phục họ bằng hình ảnh trực quan, sinh động và phải cụ thể hóa những vấn đề trừu tượng. Đó là cách bạn kết nối với độc giả của mình, nhận được sự đồng cảm từ họ. Đó cũng là cách bạn hạ gục trái tim họ dù là người khó tính nhất.
Cuối cùng tôi muốn hỏi bạn.
Bạn nghĩ sao về những mẹo tôi chia sẻ trong bài viết này? Bạn có dự định áp dụng nó vào bài viết của mình không? Hãy cho tôi biết trong phần bình luận.