Viết Bài Kể Chuyện Trên Blog: Cách Kết Nối Với Độc Giả Của Bạn
Lan Anh đi đi.. lại lại… trong phòng làm việc của mình.
“Viết gì đây?” Cô ấy tự nhủ.
Mọi thứ đều viết hết rồi mà.
À…. như chợt nhớ ra điều gì đó. Lan Anh với tay lên giá sách, lấy một cuốn và đọc vài chương để tìm cảm hứng viết.
Phải rồi. Không phải mọi người đều mong muốn được kết nối hay sao?
Và viết bài kể chuyện là cách có sức mạnh nhất để làm việc đó. Các câu chuyện cá nhân thực sự khiến cho não của cả người kể lẫn người nghe đồng bộ với nhau. Ta gọi đó là sự móc nối giữa hai não bộ.
Nếu quan sát kỹ bạn sẽ thấy chúng ta đều là những người kể chuyện.
Trong một buổi thuyết trình công việc, bạn kể câu chuyện về chiến dịch hay sản phẩm của bạn. Trong một cuộc phỏng vấn xin việc, bạn kể câu chuyện về thương hiệu cá nhân của bạn. Trong khi bán hàng, bạn kể câu chuyện về ý tưởng của bạn.
Vậy viết bài kể chuyện trên blog thì bạn kể về điều gì?
Vâng. Đó chính xác là những câu chuyện cá nhân. Hãy kể những câu chuyện về bản thân. Những ký ức đẹp nhất về người bạn yêu thương? Bạn có thể có một câu chuyện để kể về người đó. Những niềm vui hay nỗi buồn của bạn trong công việc? Bạn có thể kể về điều này. Những câu chuyện như vậy là trung tâm bản sắc cá nhân của bạn.
Nếu bạn định viết bài kể chuyện trên blog, hãy biến nó thành cá nhân. Hãy dẫn dắt khán giả vào một cuộc hành trình. Hãy kể thật rõ ràng và đầy hình ảnh sao cho họ có thể tự hình dung rằng mình đang thật sự ở đó lúc câu chuyện xảy ra.
FULL Khóa học Copywriting MIỄN PHÍ dành cho người mới bắt đầu >>>
Những Câu Chuyện Chỉ Là Những Dữ Liệu Có Tâm Hồn
Hãy đọc lại phần mở bài.
Tôi đang kể chuyện cho bạn nghe đó.
Và chính xác là tôi đang sử dụng 5 kỹ thuật kể chuyện để biến những thông tin mờ nhạt trở nên hấp dẫn hơn. Những câu chuyện sẽ biến những hành động buồn tẻ thành những cuộc phiêu lưu hấp dẫn. Những câu chuyện sẽ biến những số liệu khô cứng thành những dữ liệu có tâm hồn.
Sự tò mò và bí hiểm là những điều dễ thu hút được sự chú ý nhất. Do đó, hãy kể những câu chuyện cá nhân, nhưng hãy lựa chọn cẩn thận. Một trải nghiệm cá nhân dẫn đến một kết quả bất ngờ thường khiến cho một câu chuyện trở nên đặc biệt hấp dẫn.
Câu chuyện hay sẽ giúp bạn nổi bật giữa đám đông blog hỗn loạn trên Internet. Bạn sẽ trở nên vô cùng độc đáo vì không ai kể những câu chuyện giống như bạn.
Có lẽ bạn nghĩ kể những câu chuyện cá nhân dường như là một nhiệm vụ quá sức?
Tuy nhiên, không khó như bạn tưởng tượng đâu.
Tôi sẽ hướng dẫn bạn kể chuyện.
Ngay bây giờ…
1. Câu Chuyện Mở Đầu
Ngày xửa ngày xưa, ở một vương quốc xa xôi…
Hay là…
Khi còn bé, tôi thường được ba chở đi chơi khắp phố phường Hà Nội trên chiếc xe đạp Phượng Hoàng cũ kỹ đã tróc sơn…
(…)
Có phải bạn thường được nghe kể những câu chuyện với mô típ giống như vậy. Phải không?
Tuy nhiên, đó là cách mở bài quen thuộc của những câu chuyện cổ tích.
Câu chuyện mở đầu của bài đăng trên blog thì sao?
Mục đích của câu chuyện mở đầu là vẽ lên một bối cảnh cụ thể với những vấn đề, nỗi đau và mong muốn của nhân vật chính (nhân vật anh hùng). Một câu chuyện mở đầu hay sẽ hút mắt khán giả ngay khi họ chỉ đọc vài dòng đầu tiên.
Giống như này…
Sau bữa tối.
Lan Anh ngồi vào bàn làm việc.
Cô dặn lòng, bài viết hôm nay phải thật xuất sắc, cuốn hút và thuyết phục. Cô muốn hạ gục mọi trái tim độc giả dù là người khó tính nhất. Cô sẽ chiếm lấy linh hồn họ.
Bằng cách nào?
Rõ ràng, Lan Anh đã:
+ Rắc một vài từ quyền lực để thôi miên độc giả.
+ Xây dựng sức mạnh cho văn bản bằng động từ mạnh.
+ Giữ độc giả tập trung cùng danh sách các gạch đầu dòng.
+ Rút gọn câu để tiết kiệm thời gian đọc bài viết.
+ Tăng sự mượt mà cho văn bản bằng câu chuyển tiếp.
+ Biến cuộc đàm thoại 1 chiều thành đối thoại 2 chiều với câu hỏi mở.
+ Sử dụng nhịp điệu để tạo ra những đoạn điệp khúc bắt tai và dễ nhớ.
Vâng. Lan Anh đã làm tất cả những gì có thể để thuyết phục khách hàng mua sản phẩm của mình. Mặc dù thời gian trung bình trên trang tăng lên nhưng tỉ lệ chuyển đổi thành đơn hàng vẫn không đạt kỳ vọng.
Nguyên nhân tại sao? Lan Anh còn thiếu gì?
Thực tế, cô ấy không đơn độc.
Vì nhiều người cũng đang gặp vấn đề tương tự. Cả bạn và tôi.
Giải pháp là gì?
Đừng lo lắng. Phép ẩn dụ là câu trả lời xuất sắc.
Phép ẩn dụ thêm gia vị, màu sắc và cá tính vào văn bản. Tăng cảm xúc cho dữ liệu thô, chuyển đổi vấn đề từ cụ thể sang trừu tượng hoặc từ trừu tượng sang cụ thể. Phép ẩn dụ khơi dậy những hình ảnh sống động trong tâm trí độc giả, dụ dỗ họ ở lại trên trang lâu hơn và thôi thúc họ thực hiện một hành động cụ thể ( để lại email – số điện thoại, gọi điện thoại xin tư vấn, mua hàng trực tiếp trên website,…)
Nghe hay đấy?
Hãy tìm hiểu xem phép ẩn dụ là gì?
(…)
Trích từ bài viết:
>>>Kỹ Thuật Vẽ Hình Ảnh Sống Động Trong Tâm Trí Độc Giả Bằng Phép Ẩn Dụ.
Tại sao câu chuyện mở đầu này hoạt động tốt?
Ở đây, có bối cảnh không gian mở ra trước mắt người đọc: sau bữa tối…
Tiếp theo, là những điều mà nhân vật trong câu chuyện (nhân vật anh hùng) muốn đạt được: Cô muốn hạ gục mọi trái tim độc giả dù là người khó tính nhất. Cô sẽ chiếm lấy linh hồn họ.
Kế đến, là những kỹ thuật mà Nhân vật anh hùng (Lan Anh) đã thực hiện nhưng vẫn không có kết quả: sử dụng ngôn từ thôi miên, sử dụng động từ mạnh,…
Cuối cùng, vỡ òa trong cảm xúc đó là: sử dụng phép ẩn dụ sẽ giải quyết được vấn đề mà nhân vật anh hùng đang gặp phải.
Như vậy, một câu chuyện hay thường có kết cấu 3 phần chính:
- Bối cảnh mở ra kết hợp với vấn đề hoặc mong muốn của nhân vật chính.
- Phần giữa mô tả về những phương pháp mà nhân vật chính đã làm nhưng chưa đạt hiệu quả.
- Kết câu chuyện là giải pháp giúp nhân vật chính giải quyết được vấn đề của họ, giúp họ có cuộc sống hạnh phúc.
Mở đầu phải có kết thúc.
Nếu như câu chuyện mở đầu mô tả những vấn đề mà nhân vật anh hùng gặp phải. Và thân bài của bài viết là những giải pháp để giải quyết vấn đề đó.
Thì câu chuyện kết thúc chính là tóm tắt lại các kỹ thuật đã được sử dụng ở phần thân bài giúp người anh hùng đạt được ước mơ của mình.
2. Câu Chuyện Kết Thúc
Đây là một câu chuyện kết thúc tôi đã viết trên bài đăng blog của mình:
Hãy tưởng tượng, thứ 7 này bạn sẽ nấu bữa tối để chiêu đãi người bạn lâu ngày mới gặp lại.
Nếu bài viết của bạn là một bữa tối hoàn hảo, thì viết đoạn mở đầu sẽ giống như giai đoạn chuẩn bị nguyên liệu. Bạn cần biết người bạn đó thích ăn gì? Không ăn được gì? Có ăn được cay không? Có dị ứng với thức ăn gì không? Họ có ăn chay không?
Tóm lại, cô/ anh ấy chỉ ngon miệng với những món ăn ưa thích của mình.
Đoạn mở đầu bài viết bán hàng cũng giống như vậy. Bạn có hiểu cảm giác lo lắng, thất vọng của khách hàng không? Họ đang vật lộn với vấn đề gì? Họ có nỗi đau gì cần giải quyết? Ước mơ của họ là gì? Đó là nguyên liệu cần thiết để có một đoạn mở đầu quyến rũ. Từ đó, giúp khách hàng của bạn tin tưởng và sẵn sàng sử dụng sản phẩm dịch vụ của bạn đưa ra.
Bây giờ, hãy ngồi xuống và :
+ Truy tìm vấn đề khách hàng của bạn đang gặp phải.
+ Liệt kê lợi ích sản phẩm.
+ Đưa ra giải pháp an toàn nhất của bạn.
Cuối cùng, kết hợp với 4 công thức ở trên, bạn sẽ tạo được một đoạn mở đầu đúng tâm lý khách hàng.
Chúc bạn viết vui vẻ
Trích từ bài viết:
>>> Bí Quyết Viết Đoạn Mở Đầu Thu Hút Khán Giả Khiến Họ Không Thể Cưỡng Lại.
Tại sao câu chuyện kết thúc này hoạt động tốt?
Vẫn là cấu trúc 3 phần như câu chuyện mở đầu.
Đầu tiên, chúng ta phác thảo bối cảnh cùng vấn đề nhân vật chính gặp phải. Ở đây chúng ta có sử dụng phép ẩn dụ để làm rõ bối cảnh mở đầu này: mở đầu một bài viết cũng giống như chuẩn bị nguyên liệu khi nấu ăn.
Phần giữa mô tả các giải pháp cần thực hiện: truy tìm vấn đề của khách hàng, liệt kê lợi ích sản phẩm, đưa ra giải pháp an toàn.
Cuối cùng là kết lại với một giải pháp toàn diện: kết hợp với 4 công thức ở trên, bạn sẽ tạo được một đoạn mở đầu đúng tâm lý khách hàng.
Câu chuyện cá nhân là cách có sức mạnh nhất để phá vỡ sự kháng cự. Nếu bạn biết kể chuyện, bạn có thể kết nối với khán giả của bạn theo những cách sâu sắc và ý nghĩa hơn nhiều so với đối thủ cạnh tranh. Một câu chuyện cá nhân thực sự có sức thuyết phục khi có đủ 3 nhân tố:
- Sự đáng tin: chúng ta thường có xu hướng đồng tình với những người chúng ta tôn trọng vì những thành tích, danh vị, kinh nghiệm mà họ đạt được.
- Dẫn chứng dữ liệu: bạn không chỉ thuyết phục bằng lý lẽ, bạn cần có những sơ đồ, số liệu, bằng chứng xã hội cụ thể để thuyết phục độc giả.
- Hành động kêu gọi cảm xúc: người đọc sẽ thực hiện theo yêu cầu của bạn khi bạn lồng ghép cảm xúc vào những lời kêu gọi hành động mạnh mẽ.
Và bây giờ bạn…
Hãy Kể Chuyện Để Trở Nên Khác Biệt
Bạn đã có trong tay hành trình kể một câu chuyện mê hoặc khán giả. Nhưng nhất định bạn phải nhớ rõ điều này…
Sự trừu tượng luôn khó hiểu với tất cả mọi người. Những câu chuyện sẽ biến những khái niệm trừu tượng thành các ý tưởng mềm dẻo, truyền cảm và dễ nhớ.
Và cách truyền đạt thông tin hiệu quả nhất là thông qua mối kết nối cảm xúc của những câu chuyện. Những câu chuyện sẽ khiến cho các khái niệm và ý tưởng trở nên thực tại và hiển nhiên. Vì vậy, không có lý do gì mà bạn không viết bài kể chuyện trên blog của mình.
Đúng không nào?
Bạn biết đấy, để trở thành một blogger thành công, bạn cần thuyết phục được độc giả đọc và suy ngẫm về những nội dung bạn viết ra. Bất kể là bạn muốn tạo động lực cho khán giả của bạn, xây dựng thương hiệu cá nhân, thu hút khách hàng hay xây dựng một doanh nghiệp online bứt phá, bạn phải tạo được tiếng vang khiến người nghe chú ý đến bạn và thôi thúc họ hành động như bạn muốn. Bạn phải chạm được vào trái tim cũng như vào trí óc họ – và điều này chính là nhiệm vụ của việc kể chuyện.
Hãy nhớ, tất cả chúng ta đều có những câu chuyện để kể, nhưng hãy giữ cho câu chuyện của bạn ngắn gọn, súc tích.
Vì vậy. Hãy mạnh mẽ lên. Hãy kể chuyện để trở nên khác biệt. Hãy kể một câu chuyện cá nhân của bạn trong bài viết tiếp theo trên blog.
Được chứ?